Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Cầm máu là quá trình vô cùng có ý nghĩa với mỗi cơ thể sống. Nó giúp cơ thể không bị mất máu và đảm bảo tính toàn vẹn của mạch máu. Mỗi khi mạch máu bị tổn thương, làm rò rỉ máu ra ngoài, quá trình cầm máu sẽ được cơ thể tự động thực hiện. Đây là một quá trình gồm 4 giai đoạn : co mạch, hình thành cục máu đông, co cục máu đông, tan cục máu đông và hình thành mô xơ.

Có rất nhiều thành phần cùng tham gia vào quá trình cầm máu, trong đó phải kể đến các thành phần chính như : tiểu cầu, các sợi huyết fibrinogen và các yếu tố đông máu khác. Nếu một trong các yếu tố này không hoạt động bình thường, sẽ ảnh hưởng tới quá trình cầm máu, gây ra nhiều bệnh lý như :  rối loạn đông máu, bệnh chảy máu (do thiếu yếu tố đông máu), xuất huyết giảm tiểu cầu
Dưới đây là trình tự các giai đoạn trong 1 quá trình đông máu bình thường trong cơ thể.
Quá trình đông máu nội sinh và ngoại sinh
1.1. Co mạch tại chỗ.
Do có tính đàn hồi, nên ngay khi mạch máu có tổn thương sẽ diễn ra sự co mạch tại chỗ. Quá trinh co mạch còn được thực hiện nhờ cơ chế thần kinh và thần kinh-thể dịch : những kích thích gây đau từ nơi tổn thương, những chất trung gian hoá học được giải phóng khi đau gây phản xạ co cơ trơn thành mạch. Đồng thời lúc này tại nơi tổn thương, tiểu cầu bị vỡ ra, giải phóng serotonin gây co mạch tại chỗ.
1.2. Quá trình hình thành cục máu đông.
Tại nơi tổn thương, tế bào nội mạc hoặc thành mạch tổn thương để lộ sợi collagen, tiểu cầu bám vào những nơi này và bị hoạt hoá. Khi các tiểu cầu này bị hoạt hoá, sẽ làm giải phóng ra các yếu tố hoạt hóa tiểu cầu bên cạnh nó, làm các tiểu cầu đang di chuyển gần đó tiến lại gần, kết dính vào nhau, và tạo ra một nút tiểu cầu bịt kín chỗ tổn thương. Mỗi ngày, cơ thể thường chịu hàng trăm tổn thương nơi mao mạch, cả những mao mạch sâu trong cơ thể, do những va đập và sang chấn dù rất nhỏ mà có thể mỗi người sẽ không nhận ra. Cơ chế này sẽ giúp bảo vệ sự toàn vẹn của mỗi mạch máu trong cơ thể.
Tiếp đó, tiểu cầu sẽ giải phóng ra các yếu tố gây co mạch và gây đông máu, tạo ra cục máu đông bổ sung cho nút tiểu cầu để bịt kín chỗ tổn thương. Những chất hoạt hoá gây đông máu được giải phóng từ tổ chức và mạch máu bị tổn thương, những chất do tiểu cầu giải phóng và những yếu tố đông máu của huyết tương được hoạt hoá, tiếp tục phát động một quá trình đông máu. Công việc chính của quá trình đông máu là việc hình thành một mạng lưới các sợi fibrin (nhờ hoạt động của các yếu tố đông máu). Mạng lưới này sẽ giữ các tế bào máu lại trong đó, để ngăn cản quá trình chảy máu tiếp diễn. Nếu vết thương không quá nặng, sau 3-6 phút cục máu đông hình thành sẽ bịt kín vết thương. Sau 20 phút đến 1 giờ, cục máu đông co lại làm cho cục máu vững chắc hơn.
Trong máu có khoảng 50 yếu tố ảnh hưởng tới quá trình đông máu, bao gồm cả các yếu tố chống đông và các yếu tố đông máu. Tại môi trường bên trong cơ thể, hoạt động của các yếu tố chống đông sẽ chiếm ưu thế và giữ cho máu không bị đông, đồng thời có thể lưu thông dễ dàng trong hệ thống các mạch máu và toàn hệ tuần hoàn. Khi máu được đưa ra khỏi cơ thể, hoạt động của các yếu tố đông máu lại được tăng cường và chiếm ưu thế. Do đó có thể nhận thấy, máu khi được đưa ra khỏi cơ thể nhanh chóng bị đông lại.
1.2.Sự co cục máu đông.
Sau khi cục máu đông hình thành, nó bắt đầu co lại và huyết thanh bị rỉ ra tại đó (huyết thành là phần dịch trong, thu được sau khi các yếu tố đông máu bị loại bỏ khỏi huyết tương.)
Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình co cục máu đông. Tiểu cầu giúp gắn các sợi fibrin lại với nhau và làm ổn định vững chắc cho mạng lưới fibrin. Việc tiểu cầu bám trên lưới fibrin, sẽ làm cho lưới fibrin co lại đồng thời khi tiểu cầu co lại. Cục máu đông lúc này rất bền vững, giữ cho các mép của thành mạch tổn thương khép lại gần nhau tạo điều kiện thuận lợi cho liền vết thương.
1.4. Sự tan cục máu đông và hình thành mô xơ.
Trong huyết tương có plasminogen (profibrinolysin). Các mô tổn thương, nội mạc tổn thương và vi khuẩn là nguồn giải phóng ra chất hoạt hoá plasminogen này. Khoảng một ngày sau khi cục máu đông, chất này đã chuyển plasminogen thành plasmin. Plasmin là một enzym làm tiêu fibrin và cả fibrinogen làm tan cục máu. Vì lý do này mà có thể gây ra chảy máu thứ phát rất nguy hiểm, cần phải được đề phòng. Tại ổ viêm, nếu vi khuẩn làm tiêu fibrin đi thì có thể sẽ làm cho vi khuẩn lan rộng vì hàng rào fibrin bảo vệ đã bị phá vỡ. Song cũng nhờ cơ chế này mà trong cơ thể có hiện tượng tự tiêu fibrin làm khai thông nhiều mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn.
Xem thêm : Hướng dẫn xử lý các vấn đề chảy máu trong xuất huyết giảm tiểu cầu ITP


0 nhận xét:

Đăng nhận xét