Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Bệnh tự miễn là một rối loạn xảy ra tại hệ thống miễn dịch.
1, Thế nào là bệnh tự miễn?
Bệnh tự miễn là bệnh được đặc trưng bởi cơ thể sản xuất tự kháng thể hoặc một dòng lympho T tự phản ứng để chống lại một hay nhiều tổ chức của chính cơ thể mình.
Bình thường hệ miễn dịch của cơ thể không chống lại thành phần của bản thân do có sự dung thứ miễn dịch. Dung thứ miễn dịch có được từ trong thời kỳ bào thai, do các tế bào có năng lực miễn dịch đã nhận dạng được tất cả các thành phần của cơ thể nên không có phản ứng chống lại như đối với vật lạ từ ngoài vào.
Tuy nhiên, tự miễn không phải bao giờ cũng là bệnh lý, vì bình thường trong cơ thể người có nhiều tự kháng thể nhưng không gây ra bệnh lý (như kháng thể chống hồng cầu già), chúng vô hại do có nồng độ thấp. Trong trường hợp tự kháng thể gây hại cho cơ thể gọi là bệnh tự miễn.

2, Bệnh tự miễn sinh ra do đâu?
Có nhiều cách để lý giải cho việc sinh ra các tự kháng thể và các bệnh tự miễn ;
-          Một thành phần nào đó của cơ thể bị thay đổi tính chất, cấu hình do tác dụng của các tác nhân vật lý, hóa học, sinh học, vì vậy bộ phận đó của cơ thể trở thành lạ và lúc  này, cơ thể sẽ sinh ra các tự kháng thể chống lại tổ chức đó (tự kháng thể này sinh ra sau khi cơ thể bị nhiễm xạ, bỏng, viêm gan virus, nhiễm độc, sau dùng hóa chất và thuốc).
-          Kháng nguyên lạ bên ngoài có cấu trúc tương tự một thành phần của cơ thể nên kháng thể chống lại kháng nguyên bên ngoài phản ứng luôn với thành phần cơ thể, như trong các bệnh thấp tim, thấp khớp cấp.
-          Một số tổ chức, thành phần của cơ thể không được nhận diện trong thời kỳ phôi, ít hoặc chưa được tiếp xúc với miễn dịch của cơ thể (như tiền phòng trong nhãn cầu). Cho tới khi có các chấn thương, các thành phần này lọt vào máu, trở thành yếu tố lạ đối với hệ miễn dịch, lúc này cơ thể sẽ sinh kháng thể chống lại.
-          Sự rối loạn cân bằng giữa các dòng tế bào lympho T. Trong số các loại tế bào lympho T có 2 loại lympho T ức chế (làm nhiệm vụ ức chế phản ứng loại trừ kháng nguyên) và lympho T hỗ trợ ( phát động các phản ứng tiêu diệt kháng nguyên). Khi hoạt động của 2 dòng tế bào này bị rối loạn, mất cân bằng giữa quá trình ức chế miễn dịch và quá trình phát động khởi phát miễn dịch sẽ dẫn tới những rối loạn miễn dịch của cơ thể.
Cần lưu ý rằng, bệnh tự miễn không phải là một phản ứng quá mẫn, không hoàn toàn do sự đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể mặc dù nó có thể đáp ứng tốt với các thuốc ức chế miễn dịch (như các corticoids). Sự rối loạn, mất cân bằng trong đáp ứng miễn dịch được xem là một nguyên nhân và có thể suy ra một mục tiêu điều trị cho các bệnh này : điều hòa miễn dịch, cân bằng lại các đáp ứng miễn dịch.
3, Bệnh tự miễn bao gồm những loại nào?
-          Bệnh tự miễn cơ quan : Các tự kháng thể chống lại một thành phần đặc hiệu cho một cơ quan nhất định, như :
+  Xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn (ITP) : có sự tham gia của các tự kháng thể chống tiểu cầu.
+ Thiếu máu tan máu tự miễn : do tự kháng thể chống hồng cầu gây tan máu.
+ Bệnh Basedow : tự kháng thể kháng thụ thể TSH
+ Đái tháo đường typ I : tự kháng thể chống tế bào β đảo tụy làm giảm sản xuất insulin.

-          Bệnh tự miễn hệ thống :  Tự kháng thể (hoặc lympho T tự phản ứng ) chống lại các kháng nguyên của một mô. Mô này không đặc hiệu cho cơ quan nào  mà có ở nhiều cơ quan của cơ  thể, vì vậy bệnh biểu hiện ở nhiều cơ  quan khác nhau, như : Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì hệ thống, Viêm khớp dạng thấp...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét